Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, không thể chỉ chạy theo lợi nhuận, mà cần có những mục tiêu cao hơn. Với doanh nhân Phạm Thị Huân, 67 tuổi, Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, đó là niềm tin từ cộng đồng, từ chính nhân viên.
Bản lĩnh của nữ Anh hùng Lao động
Bà Phạm Thị Huân là một trong những doanh nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2016 – 2020) được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra ngày 9 – 10/12/2020.
Là một nữ doanh nhân chưa từng bước chân vào giảng đường đại học, thậm chí chưa học hết lớp 5, song bà Phạm Thị Huân đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Bà theo mẹ bán trứng gia cầm từ 13 tuổi, gắn bó với ngành trứng gia cầm hơn nửa thế kỉ, bà luôn tin rằng, chữ tình tròn đầy sẽ đưa doanh nghiệp vượt qua mọi gian nan.
Cảm xúc của bà khi nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 hiện nay được bà chia sẻ: “Danh hiệu này là vinh dự rất lớn không chỉ cho cá nhân tôi, mà còn cho cả tập thể cán bộ, công nhân viên ở Công ty Ba Huân”. Đây cũng là sự động viên, khích lệ tinh thần rất lớn để bà cùng cộng sự tiếp tục tin tưởng vào những cơ hội phát triển sau khi bước qua đại dịch.
Nói về nghiệp kinh doanh gia truyền và lí do gắn bó cả đời với quả trứng gia cầm, bà Huân chia sẻ: “Có lẽ, bám chặt với nghề là căn nguyên để tôi được nhiều người gọi là “nữ hoàng hột vịt” và thương hiệu Ba Huân ngày càng được nhiều người biết tới”.
Bà cho biết thêm, năm 1982, bà lập vựa trứng gia cầm đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, lấy tên là Ba Huân, rồi cứ thế phát triển chuyên nghiệp dần, đến năm 2001 thì Công ty Ba Huân ra đời. Bây giờ nhìn lại, thì ra những lúc khó khăn, khủng hoảng ập đến lại là cơ hội để vươn lên.
Năm 2003, khi dịch cúm gia cầm xảy đến, đứng bên bờ vực phá sản buộc bà Huân phải thay đổi bằng quyết định đầu tư máy móc xử lí trứng gia cầm sạch, đồng hành cùng nông dân và người cao tuổi (NCT) sản xuất trứng gia cầm. Đó cũng được xem là “bước lột xác” cho ngành trứng gia cầm truyền thống, là quyết định rất đúng đắn, cơ sở vững chắc để có được Ba Huân ngày hôm nay.
Công ty của bà nhập thiết bị xử lí trứng tự động hóa 100% hàng đầu thế giới của hãng Moba – Hà Lan. Quy trình xử lí trứng qua các công đoạn: Rửa trứng, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn, soi tìm trứng hư, áo một lớp dầu bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng, đồng thời in nhãn hiệu và kí hiệu để truy xuất nguồn gốc từng quả trứng (khi cần), cân trọng lượng và đóng hộp thành phẩm.
Tất cả các công đoạn được tự động hóa hoàn toàn 100%. Với quy trình này, trứng được xử lí và diệt khuẩn đạt chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, nhà máy còn xây dựng hệ thống kho mát, kho lạnh giúp trung chuyển các mặt hàng chế biến như xúc xích, lạp xưởng… từ TP Hồ Chí Minh ra miền Bắc. Công ty cũng đưa ra các sản phẩm trứng muối, trứng bắc thảo sản xuất theo công thức gia truyền phục vụ người tiêu dùng miền Bắc. Nhà máy đi vào hoạt động thu mua một lượng không nhỏ trứng gia cầm trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận phục vụ chế biến. Điều này góp phần mở rộng đầu ra cho các hộ chăn nuôi và thúc đẩy chương trình sản xuất sạch ở TP Hà Nội.
Gắn sản xuất với tiêu dùng và tấm lòng của doanh nhân cao tuổi
Hiện Công ty Ba Huân đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn bao gồm: Trang trại chăn nuôi gà lấy trứng công nghệ cao quy mô 18 ha, với tổng đàn 1 triệu con; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Tân Uyên – Bình Dương;
Nhà máy xử lí trứng gia cầm quy mô 2 ha, công suất 185.000 trứng/ giờ tại Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; Nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5 ha, tổng công suất 50 tấn/ngày tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trang trại chăn nuôi gà lấy thịt công nghệ cao quy mô 30ha, tổng đàn 3 triệu con tại tỉnh Long An.
Đầu tư rất lớn vào thiết bị xử lí trứng nhưng Công ty Ba Huân luôn thực hiện trách nhiệm xã hội, giá thành trứng luôn bằng hoặc giảm hơn so với giá thị trường. Dịp này, Công ty cũng kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân và cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp dùng nguyên liệu trứng trong sản xuất thực phẩm và các doanh nghiệp phân phối trứng tại các hệ thống thương mại, trường học…
Để có chu trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, doanh nghiệp phải làm đầu tàu liên kết với nông dân, NCT cho khâu sản xuất và đầu tư vào chế biến, tiêu thụ, lấy chỉ tiêu chất lượng và chữ tín đặt lên hàng đầu. Khi được nhân viên nội bộ cũng như người tiêu dùng tin tưởng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển. Người tiêu dùng biết tới Ba Huân nhiều hơn và vì tấm lòng của bà con nông dân một nắng hai sương cùng liên kết với mình, nên bà không thể nào đổi sang kinh doanh ngành khác được.
Công ty Ba Huân còn thể hiện chữ “tình” với nhân viên và cộng đồng qua những hành động cụ thể. Những thành viên trong Công ty luôn ý thức rằng: “Miễn là còn được người tiêu dùng, đội ngũ đặt niềm tin, Ba Huân vẫn còn cơ hội phát triển”.
Với nhân viên, hàng chục năm qua và trong đại dịch lần này, Công ty không để ai nghỉ việc. Bà Huân coi nhân viên như con cháu trong nhà, đôi khi còn đứng ra dựng vợ, gả chồng cho họ. Khi gia đình họ có việc hiếu hay gặp khó khăn, nội bộ đều chung sức, chung lòng giúp đỡ. Vì vậy, trước sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19, 800 nhân sự của Công ty vẫn giữ một lòng tin sẽ cùng nhau vượt qua khủng hoảng.
Với cộng đồng, gần đây nhất, Công ty Ba Huân bán giảm giá thực phẩm các loại trứng gia cầm 20 – 30%, sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến để đồng hành, hỗ trợ bà con, NCT miền Trung vượt qua bão lũ và người dân, NCT nhiều địa phương trong đại dịch Covid-19…
Phương châm gắn sản xuất với tiêu dùng, lấy chữ tín làm hàng đầu, luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với cộng đồng cũng là sợi dây kết nối xuyên suốt của Công ty Ba Huân. Anh hùng Lao động, doanh nhân cao tuổi Phạm Thị Huân chia sẻ: “Khi đặt niềm tin vào nhau và cùng nỗ lực, chúng ta chắc chắn có thể vượt qua đại dịch lần này cũng như những thử thách trong tương lai”.