Tập đoàn FPT và Công ty cổ phần Ba Huân chính thức hợp tác chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu Ba Huân hiện thực hóa tầm nhìn trở thành công ty công nghệ cao và bền vững, từ đó sẽ tạo ra chuẩn mực chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp, mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn cho người nông dân.
“Cú hích” công nghệ
Theo thoả thuận hợp tác, FPT sẽ tư vấn cho Ba Huân – một trong những doanh nghiệp hàng đầu về chăn nuôi tại Việt Nam lựa chọn các giải pháp số phù hợp cho tất cả các lĩnh vực hoạt động, gồm chăn nuôi, sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, FPT tư vấn cho Ba Huân xây dựng sản phẩm, số hóa sản phẩm; quản trị sản xuất tự động; quản trị nguồn lực; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…
Bước đầu, hai bên sẽ thực thi dự án Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP ERP S/4HANA. FPT sẽ đồng hành cùng Ba Huân số hoá hệ thống phục vụ chuỗi chăn nuôi, sản xuất 3F (feed, farm, food) bằng ứng dụng SAP S/4 HANA và các giải pháp Made by FPT.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân khẳng định, hợp tác giữa hai bên mang tính bước ngoặt của Ba Huân trong hành trình “chuyển mình” từ một doanh nghiệp nông nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp nông nghiệp số, đồng thời khẳng định triết lý luôn vì người tiêu dùng của Ba Huân.
Việc hợp tác sẽ giúp Ba Huân chuyển đổi số toàn diện, tinh gọn bộ máy vận hành, giúp ban lãnh đạo sâu sát hơn trong khâu quản trị của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trên nền tảng SAP S/4HANA tạo điều kiện để Ba Huân sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới với tầm nhìn trở thành thương hiệu thực phẩm hàng đầu quốc gia, từ đó, tiên phong thúc đẩy ngành nông nghiệp-chăn nuôi sẵn sàng đầu tư hệ thống công nghệ cao. Ba Huân hy vọng quyết tâm chuyển đổi số lần này sẽ là “gà đẻ trứng vàng” của Ba Huân, giúp công ty trao tới tay người tiêu dùng những sản phẩm với giá trị “vàng mười”.
Bà Phạm Thị Huân cho biết thêm, hệ thống này giúp công ty quản lý khâu chăn nuôi từ trang trại giống, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi trồng và thu hoạch trứng đến nhà máy sản xuất thức ăn chế biến và quản lý việc phân phối sản phẩm.
Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn, FPT sẽ xây dựng cổng thông tin tương tác với các đại lý bán hàng. Hệ thống của FPT giúp Ba Huân nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh toàn chuỗi, giảm chi phí vận hành xuống mức thấp nhất. Từ đó, giảm giá thành sản phẩm, phụng sự người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh, nền nông nghiệp Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển như ngày hôm nay là nhờ đóng góp của những doanh nghiệp, doanh nhân chịu thương chịu khó, có tình yêu trọn vẹn với ngành nông nghiệp nước nhà, đặt lợi ích người nông dân và người tiêu dùng lên hàng đầu như Ba Huân. Ba Huân đã đi lên và thành công từ một sản phẩm rất nhỏ bé là quả trứng, nhưng tầm nhìn và mô hình phát triển của công ty đã cho thấy sự trân trọng và bước đi chiến lược, các sản phẩm nông nghiệp Việt xứng đáng có vị thế lớn trên thị trường.
Chuyển đổi số chắc chắn sẽ là động lực giúp Ba Huân có thêm sức mạnh để đi nhanh hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển hơn cho người nông dân và những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. FPT có sứ mệnh đồng hành, sát cánh cùng Ba Huân để chinh phục giấc mơ nông nghiệp số. Bằng mọi giá, FPT sẽ giúp Ba Huân chuyển đổi số thành công và cùng nhau cống hiến cho nền nông nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển, ông Trương Gia Bình cho biết.
FPT có lợi thế, kinh nghiệm chuyển đổi số và triển khai hệ thống quản trị nguồn lực cho những doanh nghiệp hàng đầu trên toàn cầu trong nhiều lĩnh vực trọng điểm, như tài chính-ngân hàng, bất động sản, sản xuất, nông nghiệp… Vì vậy, FPT thấu hiểu sâu sắc nhu cầu của Ba Huân để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất vận hành, cải tiến chất lượng sản phẩm tới người tiêu dùng, từng bước dẫn đầu trên lộ trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Số hóa quản trị doanh nghiệp – Ba Huân sở hữu “gà đẻ trứng vàng”
Công nghệ hóa mô hình kinh doanh truyền thống là xu hướng của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây. Ngoài việc đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại hoá hệ thống quản trị là điều cốt lõi của quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, ứng dụng giải pháp công nghệ sẽ trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp khi tạo ra những bước nhảy vọt về vận hành và kinh doanh.
Ba Huân là thương hiệu đồng hành gần gũi với bữa ăn của hàng triệu gia đình Việt. Lập nghiệp với một gánh trứng từ năm 16 tuổi, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân không ngừng kiến tạo những giá trị mới, thay thế cách làm cũ, xây dựng một nhà máy xử lý trứng hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất 65.000 trứng/giờ và trở thành người tiên phong trong việc công nghiệp hóa ngành trứng gia cầm tại Việt Nam.
Với triết lý đồng hành, bảo vệ lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng trong mọi hoàn cảnh, trong thời điểm hai năm đại dịch COVID-19, Ba Huân đã quyết định từ chối tăng giá sản phẩm trứng gia cầm tới hai lần.
Với kinh nghiệm trong ngành trứng gia cầm hơn 50 năm, Ba Huân ngày nay không chỉ là một trong những nhà cung cấp trứng gia cầm lớn nhất cả nước, với thị phần ước tính khoảng 30%, mà còn nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm chế biến đột phá, mang giá trị dinh dưỡng cao. Sự mở rộng lớn mạnh về cả quy mô và chiều sâu sản xuất cũng như thị trường trong và ngoài nước của Ba Huân đặt ra bài toán về một hệ thống quản trị tổng thể cho công ty. Ba Huân cần tận dụng thế mạnh của các giải pháp công nghệ để tối ưu nguồn lực, giảm thiểu những rủi ro trong quản lý, tiết kiệm tối đa chi phí trong vận hành doanh nghiệp.
Năm 2022 được xác định là một năm rất nhiều đổi mới của Ba Huân. Nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian sắp tới của công ty bên cạnh phát triển mở rộng kinh doanh sẽ là chuyển đổi số. Đối với Ba Huân, cốt lõi của chuyển đổi số phải bắt nguồn từ “con người”.
Thay đổi tư duy, áp dụng giải pháp công nghệ vào vận hành, Ba Huân kỳ vọng sẽ tạo ra “trứng vàng” trong vận hành, cải tiến quy trình, xây dựng môi trường làm việc số hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, tạo đà tăng trưởng năng suất, tiết kiệm chi phí. Trong hành trình đó, FPT sẵn sàng là người bạn đồng hành, sát cánh cùng Ba Huân chinh phục giấc mơ nông nghiệp số.
Nguồn Báo Chính phủ