Luôn tự nhận mình là một nông dân, bà Phạm Thị Huân – Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân gắn bó cả đời với trái trứng, đồng hành cùng người nông dân và người lao động nghèo vượt qua đại dịch Covid-19…
Một tình yêu trọn vẹn với nông nghiệp
Mới 16 tuổi, Phạm Thị Huân đã tiếp quản cơ nghiệp là những gánh trứng do mẹ cha để lại. Vượt qua mọi khó khăn, thăng trầm, với sự nhạy bén với thị trường, dần dần người phụ nữ ấy đã xây dựng một nhà máy xử lý trứng hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất 65.000 trứng/giờ và trở thành người tiên phong trong việc công nghiệp hóa ngành trứng gia cầm tại Việt Nam.
Sau hơn 50 năm kinh doanh, hơn 10 năm áp dụng công nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp ngành chăn nuôi gia cầm, đến nay Ba Huân đã khép kín quy trình sản xuất theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn theo tiêu chuẩn công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Luôn sòng phẳng trong kinh doanh và nghĩ cho lợi ích của người nông dân nghèo, bà Huân ngày càng được các hộ nông dân, bạn hàng thương mến, đồng hành. Có thể nói, qua bao thăng trầm, với một tình yêu trọn vẹn với ngành nông nghiệp nước nhà, bà Phạm Thị Huân luôn xác định “sứ mệnh” kết nối dòng chảy từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng. Đến nay, Ba Huân cung cấp 30% sản lượng trứng gia cầm cho người dân TP.HCM.
“Tôi muốn phát triển để cho người nông dân có một đơn vị bao tiêu chặt chẽ, không phải lo lắng đầu ra. Chúng tôi tự phát triển về con giống, thức ăn chăn nuôi… để đưa tới tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với quy trình khép kín”, bà Huân chia sẻ.
Để nhận được sự tin dùng của người tiêu dùng Việt, những năm qua, Ba Huân đã đầu tư, tiếp cận khoa học kỹ thuật, đào tạo đội ngũ công nhân… Tất cả quy trình khép kín của toàn chuỗi đều được cấp chứng nhận công nghệ cao. Với chuỗi mô hình thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn, mở ra cánh cửa mới trong kinh doanh, công ty Ba Huân đã nghiên cứu thêm các sản phẩm chế biến làm phong phú thêm các sản phẩm đưa ra thị trường, ngoài thịt gia cầm tươi, xúc xích, lạp xưởng, gà viên còn có thêm chân gà chua cay, gà tẩm… tiện ích, phù hợp thị hiếu ẩm thực của người Việt.
Hiện Ba Huân có trang trại chăn nuôi gà lấy trứng quy mô 18ha, tổng đàn trên 1 triệu con tại Bình Dương được chia làm các phân khu như gà giống Hy-Line, gà hậu bị, gà lấy trứng, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, phòng kỹ thuật và chọn lọc con giống.
Chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn
Để có được sản phẩm đạt chất lượng tốt, theo bà Huân, con giống được sàng lọc rất nghiêm ngặt dưới sự giám sát của các chuyên gia hàng đầu và tuân theo một chế độ cân bằng về dinh dưỡng chuẩn xác. Giống gà, giống lấy trứng có khả năng sống sót cao, tỉ lệ sinh sản tốt, mỗi con giống có thể cho đến 270 – 300 quả trứng/năm với chất lượng tốt.
Thức ăn được sản xuất dựa theo quy trình khép kín, toàn bộ được thao tác, lập trình trên hệ thống thiết bị vi tính hiện đại, tạo ra được chất lượng đồng bộ, đạt tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu cho gà theo mọi lứa tuổi.
Tại trang trại Ba Huân, sản phẩm thức ăn được chọn lọc chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đầu vào. Định mức thức ăn thực hiện đúng lịch trình, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh. Đặc biệt, phải đảm bảo đúng hàm lượng dinh dưỡng cần thiết nhằm đạt được hàm lượng ổn định, theo đúng tiêu chuẩn Ba Huân công bố và được theo dõi, kiểm nghiệm trong suốt thời gian dài trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Công tác kiểm nghiệm chất lượng được thực hiện từng tháng, kết quả kiểm nghiệm chất lượng công khai trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng có sự tin tưởng đối với sản phẩm.
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi được áp dụng theo mô hình chuồng kín. Chuồng chăn nuôi được bố trí hệ thống làm mát tự động tạo ra nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của đàn gà. Phân gà được chuyển sang nhà máy xử lý phân. Bên trong chuồng chăn nuôi, nhiệt độ được khống chế bằng các hệ thống cảm biến nhiệt độ tự động. Các hệ thống sử dụng trong chuồng đều được tự động hóa 100% như các hệ thống: nước uống, thức ăn, thu trứng, ánh sáng, tải phân…
“Mô hình này tạo ra môi trường bảo vệ an toàn, tránh các con vật xung quanh không thể xâm nhập, lây nhiễm mầm bệnh, phát tán dịch bệnh cho đàn gà trong trại. Khu vực chăn nuôi được cách ly hoàn toàn với bên ngoài, các cổng sát trùng được bố trí ngay tại các cửa ngõ ra vào khu vực chăn nuôi. Nhân viên, công nhân trước khi bước vào trang trại phải qua các bước tắm gội, sát trùng rất nghiêm ngặt nhằm bảo vệ môi trường an toàn tuyệt đối cho con giống”, bà Huân cho hay.
Ngoài ra, Ba Huân còn có một trang trại gà lấy thịt với quy mô 34ha với tổng đàn trên 5 triệu con tại Long An; 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/ giờ; hai nhà máy xử lý trứng gia cầm với công suất 300.000 trứng/giờ tại TP.HCM và Hà Nội; một nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An công suất 50 tấn/ngày; trang trại chăn nuôi tổng hợp Bến Lức, Long An quy mô 50ha.
Đến nay, hệ thống phân phối của Cty Ba Huân đã phủ kín các siêu thị tại các tỉnh thành, là đối tác của hầu hết các hãng thức ăn nhanh, các doanh nghiệp sản xuất với nguyên liệu từ trứng và thịt gia cầm. Và bà Phạm Thị Huân được nhiều người gọi với cái tên thân thương “nữ hoàng hột vịt” từ đó.
Để người lao động nghèo có trứng ăn lúc khó khăn
Trong hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, bà Huân cho biết, chưa bao giờ, doanh nghiệp gặp khó khăn như thế. Giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí thức ăn, vận chuyển tăng đột biến khiến nhiều công ty tăng giá bán trứng lên 30.000-40.000 đồng/chục. Có những ngày, xe tải xếp dài gần cây số ở cổng nhà máy để chờ lấy trứng, nhưng công ty bà vẫn quyết bán với giá bình ổn, không tăng giá.
“Làm nông nghiệp mấy chục năm nay, tôi biết vất vả nhất vẫn là người lao động nghèo, họ là người dùng trứng nhiều nhất, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán.
Thời điểm dịch Covid-19, nhiều người khuyên tôi tăng giá nhưng tôi từ chối. Đúng là nguyên vật liệu tăng, xăng dầu tăng, thức ăn tăng theo, mình không tăng giá sẽ có nguy cơ phải bù lỗ. Nhưng trong thời điểm cả nước chống dịch, người ta còn đi cứu trợ 5 – 10 tỷ mua vacxin, còn tôi làm nông nghiệp, tôi có trứng thì tôi hỗ trợ đồng bào, hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh lân cận về giá để người dân lao động đỡ phần nào khó khăn. Muốn gì để sau giãn cách, khi dịch lắng xuống, rồi mình ngồi lại tính toán lợi nhuận sau. Làm cả đời, chứ có phải là một vài tháng đâu!”, bà Huân chia sẻ.
Doanh nghiệp của bà phải duy trì sản xuất với mô hình “ba tại chỗ” đầy gian nan, cộng với việc thiếu hụt lao động trong thời điểm Chỉ thị 16. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ban ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, lãnh đạo TP.HCM, doanh nghiệp của bà không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, sản phẩm vẫn được cung cấp từ nhà máy đến bàn ăn của mỗi gia đình với giá bình ổn.
Đặc biệt, dịp Tết, để hỗ trợ người lao động nghèo, công ty của bà đều giảm giá. Đồng thời, công ty Ba Huân cũng đóng góp các sản phẩm của mình cùng các Sở, ban ngành TP.HCM hỗ trợ các gói quà tặng cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp cao điểm của dịch Covid-19. “Mong sao tất cả mọi người đều được đón một cái Tết đầm ấm bên gia đình cùng với món thịt hột vịt kho trứng”, vừa cười bà Huân vừa nói.
Theo bà Huân, với mô hình “ba tại chỗ”, phát sinh nhiều chi phí tốn kém, tuy nhiên đổi lại doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được sản xuất, hơn 900 người lao động của nhà máy không mất việc làm và quan trọng là vẫn cung cấp đủ sản lượng trứng cho người dân.
Bà Huân cho biết, đầu năm 2019, Ba Huân ký hợp đồng với tập đoàn của Nhật để cung cấp trứng gà tươi ăn liền không cần qua chế biến cho chuỗi siêu thị, cửa hàng Nhật tại Việt Nam. Dù sản phẩm trứng Ba Huân đã xuất khẩu sang thị trường Hong Kong, Singapore, Malaysia, nhưng Ba Huân luôn xác định thị trường nội địa là chủ lực.
Đặc biệt, hai năm trở lại đây, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Công ty Ba Huân đã tạm ngưng xuất khẩu trứng vịt muối, tập trung cho thị trường nội địa. “Ai trong ngành này mới thấy, làm nông nghiệp rất vất vả, nhưng nó nối dòng chảy giữa người sản xuất, chăn nuôi với người tiêu dùng, đưa hai bên đến gần với nhau. Chương trình “Ba Huân đi đến mọi nhà” chính là tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng”, bà Phạm Thị Huân nói.
Cả cuộc đời bà Phạm Thị Huân- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân gắn bó với con gà, tâm huyết với quả trứng. Bà vẫn luôn mong muốn, Công ty Ba Huân ngày càng lớn mạnh, vững vàng để cùng người nông dân, cùng nền nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn.
Nguồn Báo Nông Nghiệp