24/02/2023
Nữ doanh nhân tâm huyết với nghề, trọn nghĩa với đời

Dù người rất mệt vì cả ngày đi kiểm tra trang trại ở ngoại thành nhưng bà vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi, bởi “nói về chăn nuôi, giúp ích cho người nghèo thì mệt mấy tôi cũng không ngại”.

Trong câu chuyện của bà, hình ảnh một chủ doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, tiên phong đổi mới cung cách chăn nuôi, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, hiện ra chân thực, rõ nét. Đó là nữ doanh nhân, Anh hùng Lao động Phạm Thị Huân (Ba Huân), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân (gọi tắt là Công ty Ba Huân).

Đau đáu với nông nghiệp, nông dân

Đã nhiều năm nay, bà Ba Huân đều đặn thức dậy lúc 4 giờ. Công việc của bà bắt đầu từ 7 giờ với lịch trình kín mít và thường kết thúc sau 20 giờ. Ngần ấy thời gian làm việc, bà không chỉ dành cho công ty mà còn dành cho các cuộc hội thảo, hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến nông nghiệp, chăn nuôi, giúp ích cho chính quyền và người nông dân trong việc phát triển kinh tế. Tại các diễn đàn, bà luôn thẳng thắn kiến nghị, đề xuất giải pháp nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam và nâng cao chất lượng đời sống người lao động.

Trong Chương trình tọa đàm “Kênh tiêu thụ nông sản Việt: Vẽ nên bản đồ nông sản Việt, cần những gam màu nào?”, nữ doanh nhân Ba Huân cho rằng, để có chuỗi cung ứng bền vững và kênh phân phối đa dạng, Nhà nước cần làm hai việc: Cử ra nhiều “nhạc trưởng” để định hướng cho nông dân biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, lợi nhuận cao và chuyên môn hóa từng khâu từ sản xuất đến phân phối.

Từ thực tế điệp khúc “được mùa rớt giá”, “trồng rồi chặt”, “nuôi rồi bán đổ, bán tháo”, với kinh nghiệm hơn 50 năm gắn bó với con gà, quả trứng, với người nông dân, bà Ba Huân đã “rút gan ruột” phân tích, giãi bày, kiến nghị để ngành nông nghiệp phát triển, khắc phục tình trạng phải “giải cứu” trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp người nông dân bớt khổ.

“Người nông dân một nắng hai sương, hễ thấy ai làm có lợi là họ học theo, nên việc nuôi, trồng ồ ạt là chuyện khó tránh khỏi. Bởi vậy, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải định hướng sát, tính toán cho người nông dân. Đối với doanh nghiệp cần chuyên môn hóa, không thể ôm đồm cả sản xuất, chăn nuôi, phân phối sản phẩm. Như thế sẽ rất dễ bị đứt gãy chuỗi sản xuất của mình”, bà Ba Huân chia sẻ. Những ý kiến của bà được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, chỉ đạo cơ quan chức năng điều chỉnh quy cách quản lý, điều hành.

Xuất thân từ con nhà nông, năm 12 tuổi, bà Phạm Thị Huân rong ruổi theo mẹ đi bán trứng gà, trứng vịt. Năm 16 tuổi, bà được mẹ giao lại gánh trứng và bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh với phương châm “chữ tín đặt lên hàng đầu”. Hơn 50 năm kinh doanh, bà đã trải qua rất nhiều khó khăn và cả những cay đắng. Bà Ba Huân kể, năm 2003, đại dịch cúm gia cầm H5N1 khiến nhiều hộ chăn nuôi bỗng chốc phá sản, khắp nơi chuồng trại bỏ không.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm mất nguồn cung ứng nguyên liệu; nhiều thương nhân, nhà phân phối chuyển đổi sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, bà vẫn quyết tâm bám trụ vì đó là nghề truyền thống của gia đình và vì không muốn bỏ rơi người nông dân trong lúc khó khăn nhất. “Cũng từ thời điểm đó, tôi tự nhủ sẽ luôn đồng hành với người nông dân, người nghèo”, bà Ba Huân bộc bạch.

Nói là làm, gần 20 năm qua, Công ty Ba Huân luôn là một trong những thành viên tích cực của Chương trình bình ổn thị trường tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các sản phẩm của Công ty Ba Huân luôn giữ giá ngay cả thời điểm hàng thực phẩm khan hiếm. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, nữ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Ba Huân nhiều lần từ chối đề nghị tăng giá trứng, với suy nghĩ giản dị mà nhân văn: “Làm nông nghiệp nhiều năm, tôi thấu hiểu sự vất vả của nhà nông và người lao động. Trong lúc dịch bệnh khó khăn, cơ cực càng không thể tăng giá bán. Bao người còn bỏ tiền ra hỗ trợ người nghèo có lương thực, thuốc men. Tôi có trứng thì hỗ trợ bà con bằng giá trứng rẻ hơn”.

Vậy là, trong lúc không ít doanh nghiệp, thương nhân… lợi dụng dịch bệnh đẩy giá nhiều mặt hàng thiết yếu khiến đời sống người dân, nhất là những công nhân, lao động nghèo càng thêm túng quẫn thì doanh nghiệp Ba Huân kiên quyết giữ giá bình ổn các mặt hàng trong toàn hệ thống; giảm giá 50% hàng chục triệu quả trứng gà đối với hệ thống công đoàn, cung cấp sản phẩm và giảm giá 20-30% đối với các khu cách ly…

Tiên phong đổi mới, chuyển đổi số nông nghiệp

Sự nghiệp kinh doanh của bà Phạm Thị Huân trải qua không ít thăng trầm. Chính những khó khăn cùng với ý chí quyết tâm không lùi bước đã giúp bà trở thành doanh nhân nổi tiếng, thành đạt, tiên phong đổi mới, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Thương hiệu Ba Huân đã trở nên quen thuộc, khẳng định uy tín với người tiêu dùng không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Quyết tâm đổi mới, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp Ba Huân bắt đầu từ một lần thất bại. Bà Ba Huân tâm sự: “Năm 2003, trước khủng hoảng dịch cúm gia cầm H5N1, người tiêu dùng quay lưng với trứng gà, trứng vịt. Công ty Ba Huân cũng mất 6 tỷ đồng do phải tiêu hủy số lượng lớn trứng mới nhập. Xót xa trước nỗi thống khổ của nông dân, tôi quyết tâm phải cùng bà con chăn nuôi gia cầm vượt qua khó khăn, cơ cực. Tôi tự dặn lòng mình: Dù phải bán hết tài sản cũng phải sở hữu những công nghệ xử lý trứng sạch hàng đầu thế giới, không thể làm manh mún, thủ công”.

Thế là bà bắt đầu hành trình sang Australia, rồi Thượng Hải (Trung Quốc) và dừng chân tại Tập đoàn MOBA (Hà Lan). Tại đây, bà đã đàm phán và được chuyển giao công nghệ, thiết bị tự động hóa, xử lý trứng sạch đến 99,9% theo tiêu chuẩn quốc tế với công suất 65.000 quả trứng/giờ. Đây là dấu ấn trong hành trình công nghiệp hóa ngành chăn nuôi gia cầm, tạo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn đạt chuẩn công nghệ cao, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ba năm sau, do nhu cầu phát triển, doanh nghiệp Ba Huân mua thêm hệ thống thiết bị xử lý trứng thứ hai, với công suất 120.000 quả trứng/giờ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Những năm gần đây, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và hình thành chuỗi an toàn, vệ sinh thực phẩm, Công ty Ba Huân tiếp tục đầu tư công nghệ, xây dựng được hệ thống gồm: Trang trại chăn nuôi gà lấy trứng quy mô 18ha, tổng đàn trên 1 triệu con tại Bình Dương; trang trại gà lấy thịt quy mô 34ha, tổng đàn trên 5 triệu con tại Long An; nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương với công suất 20 tấn/giờ; hai nhà máy xử lý trứng gia cầm, tổng công suất hơn 300.000 quả trứng/giờ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An công suất 50 tấn/ngày…

Đặc biệt, cuối tháng 9-2022, Công ty Ba Huân và Tập đoàn FPT chính thức hợp tác chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu đưa Công ty Ba Huân trở thành công ty nông nghiệp công nghệ cao và bền vững, từ đó tạo ra chuẩn mực chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp, mang lại cuộc sống no ấm cho người nông dân. FPT tư vấn giúp Công ty Ba Huân lựa chọn các giải pháp số phù hợp cho tất cả các lĩnh vực hoạt động, gồm chăn nuôi, sản xuất, cung ứng; xây dựng sản phẩm, số hóa sản phẩm; quản trị sản xuất tự động; quản trị nguồn lực; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…

Hệ thống này giúp công ty quản lý khâu chăn nuôi từ trang trại giống, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi trồng và thu hoạch trứng đến nhà máy sản xuất thức ăn chế biến và quản lý việc phân phối sản phẩm. Nói về sự kiện này, bà Phạm Thị Huân chia sẻ: “Từ năm 2018 đến nay, công ty đã phát triển sản phẩm gắn liền với sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm mới này bổ sung thành phần Omega 3, DHA, vitamin E, cung cấp trứng gà tươi ăn liền…

Tuy nhiên, việc hợp tác với Tập đoàn FPT sẽ giúp Công ty Ba Huân chuyển đổi số toàn diện, tinh gọn bộ máy vận hành, giúp ban lãnh đạo sâu sát hơn trong khâu quản trị doanh nghiệp. Tất cả đều hướng tới mục tiêu vì lợi ích người tiêu dùng, chia sẻ tốt nhất, nhiều nhất với người nông dân và cộng đồng bằng chất lượng và cách làm bền vững”.

Đánh giá về cách làm, hướng đi và tâm huyết của bà Phạm Thị Huân với nông nghiệp, nông dân, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Để các hoạt động theo đúng quy chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm của chuỗi sản xuất và chăn nuôi, những năm qua, Công ty Ba Huân chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật, đào tạo đội ngũ công nhân công nghiệp. Toàn chuỗi của công ty đều đạt và được cấp chứng nhận công nghệ cao. Tôi cho rằng, phải có tình yêu trọn vẹn với ngành nông nghiệp nước nhà, đặt lợi ích người nông dân và người tiêu dùng lên hàng đầu thì mới làm được như chị Ba Huân”.

Việc nghĩa là niềm vui, từ thiện là hạnh phúc

Không chỉ nổi tiếng bởi là người đứng đầu một doanh nghiệp thành đạt, bà Ba Huân còn được nhiều người biết đến, kính trọng, yêu mến bởi tấm lòng của nữ doanh nhân đối với xã hội, địa phương, nhất là với người nông dân, công nhân và những hoàn cảnh khó khăn khác. Ngoài việc đặt lợi ích người tiêu dùng lên cao nhất, quyết tâm chung tay bình ổn thị trường, giảm giá sản phẩm cho hàng triệu người tiêu dùng, nhất là những lúc khó khăn, dịch bệnh, bà còn tỏa sáng bởi tấm lòng nhân hậu với những hoàn cảnh nghèo khó, không may trong cuộc sống.

Dù công việc rất bận rộn nhưng bà Ba Huân luôn sắp xếp thời gian đến thăm, tặng quà các trại trẻ mồ côi, trại dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người có công; hỗ trợ các chương trình mổ mắt cho người nghèo, phẫu thuật sứt môi-hở hàm ếch miễn phí cho trẻ khuyết tật. Công ty Ba Huân cũng thường xuyên ủng hộ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh và các chương trình: “Chung một tấm lòng”; “Gắn kết yêu thương”; “Hỗ trợ người hồi gia”…

Bà Ba Huân là thành viên tích cực đồng hành với Chương trình “Ngôi nhà mơ ước” của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh trong hàng chục năm qua, giúp nông dân nghèo có vốn ban đầu để lập nghiệp. Hay Chương trình “Xây dựng nhà tình thương” của tỉnh Long An; “Tết làm điều hay” của Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh; “Xuân yêu thương” của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh, quận 6… Ông Đặng Hữu Nghĩa, 66 tuổi, ngụ tại quận 6 (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Gia đình tôi nhiều lần được nhận quà của Công ty Ba Huân. Từ giá trị món quà đến cách trao quà đều ân cần, chu đáo, thể hiện tình cảm và sự chân thành của bà Ba Huân đối với những người nghèo”.

Nói về tâm nguyện làm từ thiện của mình, doanh nhân, Anh hùng Lao động Phạm Thị Huân trải lòng: “Đến với người nghèo, tôi thấy lòng thanh thản. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi. Những việc nghĩa tôi làm là một cách tri ân người nông dân đã góp công, góp sức làm nên thương hiệu Ba Huân hôm nay. Vì thế, còn sức tôi còn làm. Việc nghĩa nói chung, từ thiện nói riêng sẽ không bao giờ dừng lại ở tôi cũng như Công ty Ba Huân”.

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

 

Chia sẻ